Trong khi sản xuất gạch đất sét nung làm tiêu tốn đất nông nghiệp, than đá, đồng thời thải hàng triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, thì ngược lại vật liệu xây không nung (VLXKN) không chỉ hạn chế những tác động bất lợi trên mà còn tái chế đáng kể lượng phế thải công nghiệp, biến phế thải thành vật liệu có ích.
Mục tiêu phát triển thị trường vật liệu xây dựng không nung
VLXKN đã trở thành xu thế chung của các nước trên thế giới. Ở Trung Quốc, Anh VLXKN chiếm tỷ lệ 55-60% trên tổng số vật liệu xây, tuy nhiên ở Việt Nam con số trên vẫn còn rất khiêm tốn, mới chỉ đạt 8-8,5%.
Vật liệu không nung nhiều ưu thế
Ông Phạm Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Nhu cầu về vật liệu xây ở nước ta tăng rất nhanh, bình quân 5 năm trở lại đây từ 10-12%. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thì nhu cầu sử dụng gạch xây khoảng 32 tỷ viên vào năm 2015 và 42 tỷ viên năm 2020. Nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 60-64 triệu m3 đất sét, tương đương gần 3.200ha đất nông nghiệp, đồng thời tiêu tốn hơn 6 triệu tấn than, thải ra 23 triệu tấn khí CO2 tác động xấu đến cảnh quan môi trường.
Với VLXKN, không sử dụng đất sét ruộng mà sử dụng các phế thải xây dựng và phế thải công nghiệp như tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than, xỉ của nhà máy luyện kim, mạt đá trong công nghiệp khai thác chế biến đá xây dựng, bùn đỏ của công nghiệp chế biến bauxit. Theo ước tính từ 2015-2020 ở nước ta thải ra từ 50-60 triệu tấn các loại phế thải trên có thể gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng, tuy nhiên với lượng phế thải đó đủ sản xuất 40 tỷ viên gạch không nung mỗi năm mà không cần đất sét ruộng, không đốt than, củi, không thải khí CO2, SO2.
Hơn nữa, VLXKN loại nhẹ, đặc biệt là bê tông khí chưng áp AAC, có trọng lượng 400-800kg/m3 với tỷ trọng trung bình xấp xỉ 1/5 bê tông thường, bằng 1/3 gạch đất sét nung, giảm tải trọng công trình, giảm chi phí làm móng, rất rất phù hợp cho xây dựng vùng đất yếu, xây nhà cao tầng…
Nhưng thiếu “chỗ đứng”
Nhờ những ưu điểm trên, việc sử dụng VLXKN đã trở thành xu thế chung của các nước trên thế giới. Ví dụ, ở Trung Quốc VLXKN đang chiếm tỷ lệ trên 55%, ở Anh chiếm 60%, trên tổng số vật liệu xây. Còn Việt Nam, mặc dù quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2010 đã đưa ra mục tiêu VLXKN phải đạt tỷ lệ 20% vào năm 2005 và 30% vào năm 2010 trên tổng số vật liệu xây, nhưng thực tế, thời gian qua sản lượng VLXKN phát triển rất chậm. Đến năm 2009 mới chỉ đạt 8-8,5%, chủ yếu là sản xuất VLXKN cốt liệu xi măng, mạt đá, cát.
Lý giải cho điều này, tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: Bao đời nay nhân dân ta đã quen sử dụng gạch đất sét nung cỡ nhỏ, xây thủ công phù hợp với lối sản xuất nhỏ, khi sử dụng gạch không nung dạng block kích thước lớn, vận chuyển khó khăn, nhất là khi đưa lên cao, thợ xây dựng không thích. Quy trình xây gạch block yêu cầu chặt chẽ hơn, đòi hỏi tay nghề cao hơn.
Mặt khác, do Nhà nước chưa ban hành đồng bộ các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng VLXKN vào công trình. Tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình quy phạm xây dựng kết cấu kiến trúc và đơn giá xây dựng chưa được ban hành đồng bộ cho nên các nhà tư vấn, thiết kế kiến trúc chưa đưa VLXKN vào công trình.
Bên cạnh đó, giá bán gạch block trước đây cao hơn gạch đất sét nung, nhất là so với gạch lò đứng thủ công, sử dụng đất ruộng không có thuế đất, giá thành thấp. Các nhà đầu tư chủ công trình nước ta đã quen sử dụng gạch đất sét nung chưa nắm bắt được tính ưu việt của VLXKN nhất là vật liệu bê tông nhẹ cũng như chưa quan tâm đến việc sử dụng nó. Do đó hầu hết gạch block vào công trình cao tầng do nhà thiết kế, chủ đầu tư nước ngoài sử dụng.
Tìm lối ra cho vật liệu không nung
Ngày 28/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020. Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ có lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg mỗi m3 trong tổng số vật liệu xây.
Theo ông Huynh: Để thực hiện mục tiêu đạt 40% VLXKN đến năm 2020 bằng 16,8 tỷ viên, trung bình mỗi năm phải đầu tư mới 1,6 tỷ viên, căn cứ vào nguồn nguyên liệu của từng vùng, nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng để đầu tư các cơ sở sản xuất VLXKN thích hợp. Mặt khác, nên có các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, thuê đất, vốn vay, chính sách khuyến khích sử dụng VLXKN vào công trình… Các địa phương cần xây dựng và công bố quy hoạch sử dụng đất để sản xuất gạch đất sét nung, không sử dụng đất nông nghiệp. Ban hành các chính sách tăng trưởng tỷ lệ gạch rỗng đất sét nung lên 80% vào năm 2020. Tăng thuế tài nguyên đất sét làm VLXD.
Đồng thời, hoàn thiện công nghệ sản xuất VLXKN, nghiên cứu sử dụng tất cả các nguồn phế thải công nghiệp. Nâng cao năng lực cơ khí trong nước để chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN, để giảm nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2020 không nhập khẩu. Soát xét, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, các quy trình, quy phạm, hướng dẫn thi công và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất và sử dụng VLXKN, tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, thiết kế đưa VLXKN vào công trình.
Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ thể trong hoạt động xây dựng và mọi người dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN, đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững./.
Theo Quỳnh Nga